Filco mặc dù nghe khá lạ tai với đa số người dùng Việt Nam nhưng đây lại là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bàn phím cơ đến từ Nhật Bản. Filco có rất nhiều dòng sản phẩm bàn phím cơ dựa trên 3 loại switch của hãng Cherry (một công ty chuyên sản xuất switch cho các loại bàn phím cơ) là Blue (phổ biến nhất), Brown và Black. Ngoài ra hãng cũng sản xuất nhiều loại phụ kiện khác cho bàn phím như kê tay, keycap, nắp che…
Chiếc bàn phím cơ Majestouch 2, sử dụng switch Cherry MX Brown.
Đây là dòng sản phẩm cao cấp của Filco và có giá bán khá cao, khoảng 150 USD.
Hộp và thiết kế sản phẩm
Masjestouch 2 được đóng gói khá cơ bản. Hộp đựng sản phẩm được làm từ giấy cacton cứng, không có gì đặc biệt.
Bên ngoài vỏ hộp in đầy đủ các thông tin về tính năng cũng như xuất xứ của sản phẩm.
Khi mở vỏ hộp ra ta sẽ thấy ngay sản phẩm được che bằng lớp nhựa trong suốt, phụ kiện chỉ bao gồm đầu nối PS/2 (rất quan trọng và sẽ trình bày ở phần 5) và chiếc key puller (dùng để gỡ phím khi cần thiết), ngoài ra không có thêm sách hướng dẫn (manual) hay keycap tặng kèm như bản Majestouch 2 Multicam hoặc Ninja.
Majestouch 2 có vẻ bề ngoài rất cổ điển và hầu như không có bất kỳ sự khác biệt nào so với các loại bàn phím thông thường, nó tuân theo chuẩn 104 phím của một bàn phím phổ thông.
Mặt sau chỉ gồm các đế cao su và chân kê giúp nâng cao bàn phím cho dễ gõ hơn.
Trái với layout khá cổ điển của thiết kế phím, bề ngoài của majestouch 2 khá cồng kềnh và nặng, với trọng lượng trên 1kg và độ dày lên đến 3,6cm. Kích thước cồng kềnh như vậy có nguyên nhân do cơ cấu phức tạp của bàn phím cơ. Tuy nhiên bàn phím cơ thường được sử dụng chủ yếu cho máy tính để bàn nên đây lại là ưu điểm, nhờ đó Majestouch 2 không bị dịch chuyển ngoài ý muốn khi chúng ta đang gõ phím.
Đầu nối PS/2 tưởng như vô dụng (vì thời buổi này chúng ta chuyển qua xài cổng USB hết rồi) nhưng lại rất quan trọng đối với bàn phím cơ. Vì khi kết nối bàn phím với cổng USB 2.0 thông thường thì bàn phím chỉ có thể nhận tín hiệu tối đa từ 6 phím cùng lúc mà thôi (giới hạn về kỹ thuật) do đó để tận dụng tối đa ưu thế của bàn phím cơ cũng như tính năng NKRO, bạn hãy sử dụng đầu nối đì kèm để cắm vào cổng PS/2 trên máy tính.
Trái với mức độ quan trọng của đầu nối PS/2, chiếc Key Puller không có tác dụng đáng kể. Tác dụng của nó chỉ để gỡ keycap ra khỏi switch, thường sử dụng khi ta vệ sinh bàn phím hoặc thay các loại keycap khác mang tính chất trang trí.
Việc gỡ 1 phím bất kì rất dễ dàng với chiếc kẹp đi kèm trong hộp
Keycap và switch
Keycap của Majestouch 2 được chế tạo bằng công nghệ Laser-etched, tức là các nút bàn phím sẽ được khắc bằng tia laser lên và vĩnh viễn không bị phai màu. Đây là công nghệ tiên tiến và đem lại hiệu quả cao, tuy nhiên nó có một nhược điểm là không thể làm hệ thống đèn nền LED cho phím được do không có chỗ cho ánh sáng đi qua keycap.
Qua thực tế sử dụng cho thấy việc khắc laser lên keycap giúp đạt hiệu quả thẩm mỹ khá cao và giúp các ký tự nổi lên, đẹp và bền hơn hẳn công nghệ in dán trên bàn phím màng kiểu cũ.
Về switch, Majestouch 2 sử dụng switch Cherry MX Brown nổi tiếng. Switch MX Brown đem lại cảm giác gõ mềm mại và không có tiếng click ồn ào đặc trưng của switch MX Blue.
MX Brown là loại switch phản hồi xúc giác (tactile feedback), MX Brown cân bằng giữa 2 mục đích: dành cho người chuyên gõ phím và nhóm người chơi game. Không giống MX Black, MX Brown đem lại cảm giác mềm mại và cảm giác phản hồi xúc giác khoảng ½ hành trình phím. MX Brown cũng đem lại cảm giác nhả phím nhẹ hơn và yêu cầu ít lực hơn khi nhấn, tức chỉ cần lướt khoảng ⅓ đến ½ hành trình phím thì máy đã nhận được lệnh. MX Brown được dùng nhiều trong các nhóm bàn phím cần sự yên tĩnh vì nó ít tiếng ồn khi gõ nhiều hơn so với MX Blue.
Minh họa hành trình khi nhấn phím
Bạn có thể theo dõi cơ cấu hoạt động của switch MX Brown ở hình dưới, khi phím nhấn xuống khoảng ½ tức là đã kích hoạt điểm phản hồi và nối cực dây dẫn, lúc này máy tính đã nhận được lệnh rằng phím đã được gõ.
Cụ thể hơn, chúng ta cùng theo dõi thực tế hành trình nhấn của bàn phím Majestouch 2, chỉ cần tác động khoảng ½ hành trình nhún (mức 2) là ta gõ được phím cần gõ mà không nhất thiết phải nhấn hết lực (mức 3).
Và đây là minh họa cụ thể hơn
Trải nghiệm
Đúng như kỳ vọng, với việc trang bị switch Cherry MX Brown với lực nhấn 45g, bàn phím Majestouch 2 đem lại cảm giác gõ phím rất êm ái, thoải mái và rất chính xác, không bị hiện tượng bóng ma. Việc gõ văn bản liên tục trong thời gian dài (3 tiếng) không gây mỏi tay như khi dùng bàn phím màng do ta không cần phải nhấn hết hành trình phím, vì trên thực tế, không phải lúc nào ta cũng gõ phím bằng một lực đều tay như nhau, nên sẽ có hiện tượng bị mất kí tự nếu nhấn phím quá nhẹ, việc này đã được khắc phục với bàn phím cơ Majestouch 2. Tuy nhiên bạn nên trang bị một miếng kê cổ tay để giúp tư thế gõ được thoải mái hơn.
Khi chơi game, bàn phím Majestouch 2 cũng đem lại cảm giác chơi game rất tốt, cảm giác phím tốt hơn giúp những bước di chuyển trong BattleField 3 hay Call of Duty Modern Warfare 3 được chính xác, tốc độ phản hồi cũng khá tốt giúp những trận chiến trong game không bị mất nhịp.
Ngoài ra nhờ vào NKRO mà bạn có thể bấm combo “loạn xạ” trong game Super Street Fighter 4 để chơi các tuyệt chiêu, mọi phím bấm đều được game nhận dạng đầy đủ, rất thuyết phục (như đã nói ở trên, chúng ta cần dùng đầu chuyển để cắm qua cổng PS/2).
Nói thêm về tính năng NKRO, người viết đã thử dùng cả 10 ngón tay thì bàn phím đều nhận dạng đầy đủ, bạn đọc có thể theo dõi hình minh họa ngay dưới đây.
Bàn phím vẫn nhận được đầy đủ 13 phím khi bấm cùng lúc
Ngoài ra tôi còn tham khảo một bài test NKRO khác đơn giản hơn, đó là giữ cùng lúc 2 phím Shift trái và Shift phải, thêm phím Cap Lock nữa, sau đó nhập đoạn văn bản gồm dòng chữ “the quick brown fox jumps right over the lazy dog” vào.