Hãng Thermaltake của Đài Loan thường khá chú trọng về hình thức bên ngoài khi thiết kế các sản phẩm của mình. Ra đời từ tháng 1 năm 1999, thương hiệu Thermaltake chuyên cung cấp thùng máy, tản nhiệt, bộ nguồn dành cho thị trường máy tính tự lắp ráp (PC DIY). Có thể kể đến vài dòng sản phẩm nổi bật như thùng máy Level 10 Series, Armor Series, tản nhiệt Frio Series, bộ nguồn ToughPower Series. Thermaltake Level 10 và Level 10 GT từng được đánh giá trước đây đều thuộc phân khúc dành cho game thủ cao cấp (và thường là sử dụng hệ thống nền tảng Intel); Thermaltake cũng thể hiện sự quan tâm của mình dành cho các game thủ yêu thích AMD bằng model Armor A60 AMD Edition. Dĩ nhiên, nếu các game thủ sử dụng nền tảng Intel ưa thích thiết kế của Armor A60, họ hoàn toàn có thể tậu về 1 phiên bản Armor A60 thường.
Thông số kỹ thuật
Tổng quan
Thermaltake Armor A60 AMD Edition được đóng gói trong thùng carton màu đen chủ đạo, xen lẫn là màu đỏ mạnh mẽ, nóng bỏng. Góc trên có logo chứng nhận phần cứng dành cho World Cyber Games – WCG, góc dưới trưng bày 2 điểm độc đáo của Armor A60 AMD Edition gồm: kết nối USB 3.0, hộc hotswap dành cho HDD.
Mặt sau thùng carton khoe hàng các tính năng cùng thiết kế nổi bật trên Armor A60 AMD Edition; đặc điểm đáng chú ý và chiếm diện tích nhất là khả năng thiết lập 1 hệ thống tản nhiệt khủng với tối đa 7 quạt làm mát.
Bên ngoài là thế, bên trong Armor A60 AMD Edition được đóng gói đơn giản hơn với 1 túi nilon lớn trùm kín toàn case, được đỡ và nằm chắc chắn trong 2 miếng mốp lớn. Tháo bỏ toàn bộ, sản phẩm hiện lên khá ngầu và mạnh mẽ với tông đỏ – đen, logo AMD xuất hiện ở mặt trước và hông case với đầu chú sư tử LEO màu trắng.
Armor A60 AMD Edition có 2 mặt hông không quá nổi bật, tuy nhiên lại có những điểm đáng chú ý như: cửa sổ mica màu đỏ, 1 cửa sổ nhỏ bên hông trái với logo Thermaltake bên trên. Nhấn thử vào cửa sổ, bên trong xuất hiện khay chứa ổ cứng, đây chính là hộc hotswap cho HDD mà Thermaltake quảng cáo, giúp nhanh chóng tiếp cận, thay thế HDD trong trường hợp sao chép phim HD chẳng hạn.
Đằng sau Armor A60 AMD Edition có 1 sợi cáp màu xanh dành cho việc nối dài cổng USB 3.0 ra mặt trước case, tiện lợi trong khi sử dụng. Case có thể gắn 1 quạt 120mm ở phía sau, có thiết kế lỗ đi dây cho hệ thống tản nhiệt nước, nguồn đặt dưới và có 7 khe PCI.
Phần đặc trưng và được nhiều nhà sản xuất quan tâm thiết kế nhất chính là mặt tiền sản phẩm, Armor A60 AMD Edition cũng không ngoại lệ. Mặt trước sản phẩm chiếm diện tích nhiều nhất là lưới màu đen, 1/3 phía trên đơn giản với 3 khe gắn ODD cùng logo AMD ở khe thứ 3, 2/3 phía dưới có những đường nét thẳng, chéo mạnh mẽ, nổi lên dạng 3 chiều. Logo Thermaltake nằm ở giữa phía dưới; ở mặt trước này, thoạt nhìn tôi cũng nghĩ nút nguồn bị lệch (hư) sang 1 bên, nhưng hóa ra đó là chủ tâm thiết kế của hãng.
Lắp đặt
Cấu hình hệ thống
- CPU: AMD Phenom II X6 1090T
- Mainboard: ASRock 890GX Extreme4
- CPU cooler: Thermaltake Frio OCK
- RAM: G.Skill 2 x 2GB 1600MHz
- VGA: Gigabyte GeForce GTX 570
- HDD: Seagate 80GB SATA II
- PSU: Thermaltake ToughPower XT 775W
Việc lắp đặt hệ thống trên vào Armor A60 AMD Edition tiêu tốn 1 khoảng thời gian kha khá, lý do là cần tìm kiếm tất cả các cách có thể nhằm giữ cho dây cáp gọn gàng nhất trong thùng máy (còn nhớ tôi phải lắp đặt PSU đến 3 lần chỉ để đưa dây nối dài front audio và front USB vào đúng vị trí mong muốn).
Trong số các ốc gắn mainboard đi kèm case, có 1 ốc định vị; đáng khen cho Thermaltake vì việc trang bị ốc định vị giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian cũng như công sức giữ và điều chỉnh cho mainboard vào đúng vị trí.
Đầu tiên lắp đặt PSU trước, nhưng sau khi mainboard và CPU cooler yên vị, tôi mới nhận ra sai lầm của mình. Thông thường các mainboard có đầu nố front audio ở góc dưới bên trái, do đó cáp nối dài cũng cần phải giấu ra sau nếu không muốn đi cắt ngang mainboard. OK, gỡ PSU ra nào. Sau khi gắn PSU trở lại, nhìn thấy cáp nối front USB cũng chưa vừa mắt lắm, vậy là lui cui tháo PSU ra 1 lần nữa.
Cáp 24pin mainboard được vòng ra sau case và đi đến vị trí mong muốn; trong khi đó cáp 8pin CPU thì đi ‘ké’ lỗ lớn nhất dành cho lắp đặt tản nhiệt CPU, và lời khuyên là nên đưa cáp 8pin ra trước khi siết cố định mainboard vào thùng máy. Case có khoảng cách giữa cạnh trên mainboard và quạt nóc tương đối rộng rãi, vì thế người dùng có thể an tâm lắp đặt tản nhiệt CPU, quay các hướng mà không sợ vướng víu.
Trong số các phụ kiện đi kèm Armor A60 AMD Edition, có 4 thứ tôi không rõ tính năng (dạng ống hở, màu đen, có 2 ngàm gài) nên sẽ tự nghĩ cách dùng. Thử đem cố định, đi dây cho các cáp nối mặt trước xem sao? Vị trí gắn cũng được mò mẫm sao cho thích hợp nhất, kết quả cũng không tồi đúng không?
Lưu ý là ở đây tôi chưa gắn cáp nguồn SATA, nguồn molex 4pin cho các quạt làm mát. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể đưa tất cả ra phía hông phải của thùng máy, vẫn còn đủ chỗ.
Về hộc hotswap đầu tiên cho HDD, việc lắp đặt và sử dụng khá tốt, tuy nhiên có 1 vấn đề nhỏ khi cần tháo gỡ. Hơi cứng quá mức cần thiết và người dùng phải dùng lực mạnh để kéo ra, ảnh hưởng không tốt đến HDD khi đang hoạt động (va chạm, chấn động). Có thể sau thời gian dài sử dụng, việc tháo nóng ổ cứng sẽ dễ dàng hơn vì đầu hotswap SATA bên trong bị mòn đi. Độ khít và cứng của đầu nối SATA bên trong như thế chứng tỏ đây là nó vẫn còn rất mới; mới thì tốt, tuy nhiên trong trường hợp này chưa hẳn là điều người dùng mong muốn lắm.
Bình luận đang được kiểm duyệt !